loader image
Chuyển tới nội dung chính
Các yêu cầu hoàn thành

TÀI SẢN CỐ ĐỊNH

1. Nhiệm vụ của kế toán tài sản cố định

  • Ghi chép, phản ánh tổng hợp chính xác, kịp thời số lượng, giá trị TSCĐ hữu hình hiện có
  • Tình hình tăng giảm và hiện trạng TSCĐ hữu hình trong phạm vi toàn đơn vị, cũng như tại từng bộ phận sử dụng TSCĐ hữu hình. Tạo điều kiện cung cấp thông tin để kiểm tra, giám sát thường xuyên việc giữ gìn, bảo quản, bảo dưỡng TSCĐ hữu hình và kế hoạch đầu tư đổi mới TSCĐ HH trong từng đơn vị.
  • Tính toán và phân bổ chính xác mức khấu hao TSCĐ hữu hình vào chi phí sản xuất kinh doanh theo mức độ hao mòn của tài sản và chế độ quy định. 
  • Tham gia lập kế hoạch sửa chữa và dự toán chi phí sửa chữa TSCĐ, giám sát việc sửa chữa TSCĐ hữu hình về chi phí và kết quả của công việc sửa chữa.
  • Tính toán phản ánh kịp thời, chính xác tình hình xây dựng trang bị thêm, đổi mới, nâng cấp hoặc tháo dỡ bớt làm tăng giảm nguyên giá TSCĐ hữu hình cũng như tình hình quản lý, nhượng bán TSCĐ hữu hình.
  • Hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị, các bộ phận trực thuộc trong các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ chế độ ghi chép ban đầu về TSCĐ hữu hình
  • Mở các sổ, thẻ kế toán cần thiết và hạch toán TSCĐ theo chế độ quy định.

2. Trách nhiệm của kế toán tài sản cố định

  •  Nhận và cập nhật chứng từ về TSCĐ, kiểm tra xác nhận TSCĐ khi nhập.
  •  Lập biên bản bàn giao và bàn giao tài sản cho đơn vị (bộ phận) công ty.
  •  Lập và giao biên bản bàn giao trách nhiệm sử dụng tài sản.
  •  Tập hợp chi phí xây dựng cơ bản, chi phí sửa TSCĐ, chi phí sửa chữa nhà xưởng, lập quyết toán xây dựng cơ bản, chi phí sửa chữa hoàn thành.
  •  Cập nhật tăng giảm TSCĐ, lập danh sách tăng giảm TSCĐ từng tháng, năm.
  •  Xác định thời gian khấu hao TSCĐ (theo khung quy định nhà nước), tính khấu hao TSCĐ, chuyển số liệu khấu hao tháng cho từng bộ phận để hạch toán
  • Lập biên bản thanh lý TSCĐ.
  • Lập thẻ TSCĐ, sổ TSCĐ, Hồ sơ TSCĐ.
  • Lập danh mục hồ sơ, tài liệu tài sản, sắp xếp và lưu hồ sơ TSCĐ.
  • Kiểm kê TSCĐ 6 tháng hoặc cuối năm.
  • Cung cấp số liệu và tài liệu liên quan về TSCĐ khi có yêu cầu của phòng kế toán.

3. Nghiệp vụ liên quan đến TSCĐ

- Mua mới TSCĐ

Nợ TK 211

Nợ TK 1332

Có TK 331

- Thanh lý TSCĐ

Nợ TK 131 hoặc 111

Có TK 711

Có TK 33311

- Ghi giảm TSCĐ khi bán thanh lý

Nợ TK 214

Nợ TK 811

Có TK 211

- Tính khấu hao TSCĐ cuối kỳ

Nợ TK 642, 154 (TT133), 6274 (TT200)

Có TK 214

CÔNG CỤ DỤNG CỤ 

1. Sơ lược về CCDC.

Khái niệm: Công cụ dụng cụ là những tư liệu lao động tham gia vào một hay nhiều chu kỳ sản xuất kinh doanh, trong thời gian sử dụng công cụ dụng cụ cũng bị hao mòn dần về mặt giá trị giống như tài sản cố định tuy nhiên do thời gian sử dụng ngắn và giá trị thấp chưa đủ điều kiện để làm tài sản cố định.

Tại khoản 2.2, điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC có quy định:

Đối với tài sản là công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển, ... không đáp ứng đủ điều kiện xác định là tài sản cố định theo quy định thì chi phí mua tài sản nêu trên được phân bổ dần vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng tối đa không quá 3 năm”.

2. Phương pháp phân bổ CCDC.

2.1 Phân bổ một kỳ:

Đối với CCDC có giá trị nhỏ, vật liệu rẻ tiền, thời gian sử dụng ngắn thì không cần chia ra thành nhiều kỳ phân bổ. Giá trị sử dụng của CCDC đó sẽ được hạch toán thẳng vào chi phí.

2.2 Phân bổ nhiều kỳ:

Đối với CCDC có giá trị lớn, được sản xuất từ vật liệu bền, thời gian sử dụng lâu (không quá 3 năm). Giá trị sử dụng của CCDC đó sẽ phân bổ ra thành nhiều kỳ để hạch toán vào chi phí.

3. Hạch toán CCDC.

3.1 Mua nhập kho chưa sử dụng:

Thanh toán ngay:

Nợ TK 153: Giá mua chưa thuế

Nợ TK 1331: Thuế GTGT trên giá mua chưa thuế

  Có TK 111/112: Tổng tiền thanh toán

Mua thanh toán sau:

Nợ TK 153: Giá mua chưa thuế

Nợ TK 1331: Thuế GTGT trên giá mua chưa thuế

  Có TK 331: Tổng tiền thanh toán

Thanh toán:

Nợ TK 331: Tổng tiền thanh toán

  Có TK 111/112: Tổng tiền thanh toán.

3.2 Mua về sử dụng liền:

Khi sử dụng thì tùy vào giá trị mà xem xét phân bổ một lần hay phân bổ nhiều kỳ và thời gian phân bổ không quá 3 năm.

3.2.1 Phân bổ một lần.

Nợ TK 627/641../642: Giá mua chưa thuế

Nợ TK 1331: Thuế GTGT trên giá mua chưa thuế

  Có TK 111/112/331: Tổng tiền thanh toán

3.2.2 Phân bổ nhiều lần.

Khi mua:

Nợ TK 242. Giá mua chưa thuế

Nợ TK 1331: Thuế GTGT trên giá mua chưa thuế

  Có TK 111/112/331: Tổng tiền thanh toán

Phân bổ và hạch toán chi phí:

Nợ TK 627/641../642: Giá mua chưa thuế

  Có TK 242: Giá mua chưa thuế

CHI PHÍ TRẢ TRƯỚC

Bao gồm:

– Chi phí trả trước về thuê hoạt động tài sản cố định phục vụ cho sản xuất kinh doanh nhiều năm;

– Tiền thuê cơ sở hạ tầng đã trả trước cho nhiều năm và phục cho kinh doanh nhiều kỳ nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng;

– Chi phí trả trước phục vụ cho hoạt động kinh doanh của nhiều năm như chi phí điện, nước, chi phí điện thoại, chi phí internet;

– Chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo, quảng cáo phát sinh trong giai đoạn trước hoạt động được phân bổ tối đa không quá 3 năm;

– Chi phí đào tạo cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật;

– Chi phí mua các loại bảo hiểm (bảo hiểm cháy, nổ, bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ phương tiện vận tải, bảo hiểm thân xe, bảo hiểm tài sản,. . .) và các loại lệ phí mà doanh nghiệp mua và trả một lần cho nhiều năm;

– Chi phí đi vay trả trước dài hạn như lãi tiền vay trả trước;

– Lãi mua hàng trả chậm, trả góp;

– Chi phí phát hành trái phiếu có giá trị lớn phải phân bổ dần.

Tài khoản hạch toán chi phí trích trước: TK 242

Định khoản: Giống như định khoản CCDC nhưng đối với chi phí trả trước không có bước nhập kho.

Lưu ý: Các khoản chi phí trả trước hữu hình này phải căn cứ vào đặc thù, ngành nghề sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hay các khoản chi phí này chiếm bao nhiêu % so với doanh thu trong kỳ,... để chọn số kỳ phân bổ hợp lý.

Sửa lần cuối: Thứ Tư, 3 tháng 7 2024, 9:59 AM